Kinh phật cho người tại gia

LỜI NÓI ĐẦU


Kinh Phật cho người tại gia là tác phẩm được khởi xướng từ năm 2002, kể từ khi tôi trở về Việt Nam sau gần 8 năm tu học tại Ấn Độ. Thực ra, tác phẩm này được thai nghén từ năm 1994, ngay sau khi tôi biên soạn và xuất bản quyển “Kinh tụng hằng ngày”. Do vì bận rộn quá nhiều Phật sự, dù rất mong muốn, tôi đã không thể hoàn tất tác phẩm này trong vòng 2 năm, như đã dự kiến. Hơn một thập niên trôi qua, tôi mới có thời gian và điều kiện để hoàn thành công việc tuyển chọn, phiên dịch và ấn hành rộng rãi.

Nếu Kinh tụng hằng ngày là một tuyển tập 49 bài kinh từ hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa, thì Kinh Phật cho người tại gia phần lớn được tuyển dịch từ kinh tạng Pali và một số từ kinh điển Đại thừa. Như tên gọi, bộ Kinh này chỉ dành cho giới Phật tử, vốn mưu cầu sự nghiệp, phước báu, hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc mình có cho những người hữu duyên.

Vì nhắm đến đối tượng người tại gia, trong quá trình tuyển chọn và biên dịch, tôi đã phân loại 62 bài kinh quan trọng thành 5 nhóm chủ đề: đạo đức, xã hội, triết lý, thiền định và Tịnh độ, nhằm đáp ứng cái “gu” tâm linh của người tại gia, vốn không thể ngang tầm với cái gu tâm linh của người xuất gia. Bộ Kinh Phật cho người xuất gia đang được biên dịch, đáp ứng nhu cầu tu học nâng cao và chuyên sâu cho những người xuất gia tu trọn thời gian, tu toàn diện, tu đúng pháp Tứ đế và tu có hệ thống.

Phần lớn các bài Kinh trong tác phẩm này rất phổ biến trong thời đức Phật nhưng có phần xa lạ với Phật tử Bắc truyền tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Tây Tạng và Việt Nam. Lý do là vì các nghi thức tụng niệm tại Việt Nam phần lớn là phiên dịch từ các nghi thức tụng niệm bằng chữ Hán, do các Tổ sư Trung Quốc biên soạn, vốn chỉ nhấn mạnh phần thứ 5 của bộ Kinh này, đang khi bỏ qua 4 phần quan trọng khác, rất quan trọng cho việc xây dựng hạnh phúc của người tại gia ở kiếp sống hiện tại này.

Chủ đề 1 gồm 12 bài kinh về đạo đức, giới thiệu bao quát về bản chất và giá trị đạo đức trong việc xây dựng hạnh phúc cho con người và hòa bình cho thế giới. Từ 5 điều đạo đức đến 10 điều thiện, các bài kinh trong nhóm này trình bày bức tranh nhân quả đạo đức rất chuẩn xác và công bằng: Người thiện thì hạnh phúc, kẻ ác thì khổ đau. Tội hay phước, khổ đau hay hạnh phúc… đều được tạo ra từ động cơ và quyết định của con người. Do vậy, thay vì đổ lỗi cho Thượng đế, định mệnh kiếp trước, số phận hên xui, sự ngẫu nhiên hay nghịch cảnh, tốt nhất con người nên nỗ lực chuyển hóa nghiệp chướng, làm lại cuộc đời, vượt lên số phận, tái tạo hạnh phúc.

Chủ đề 2 gồm 14 kinh về các tương quan gia đình, xã hội và tâm linh. Ngoài chủ trương công bằng xã hội, bình đẳng giới, các bài kinh trong nhóm này còn đề cao vai trò của luật pháp và dân chủ trong việc phát triển đất nước. Tránh xa 12 cửa ngõ bại vong, gieo trồng 10 loại phước đức, đền trả 4 ơn nặng… là những lời dạy được đức Phật đề cao như dấu hiệu của đời sống văn hóa. Hòa hợp, hòa giải các tranh chấp và bất đồng là con đường tháo mở mọi bế tắc, bạo lực, hận thù, chiến tranh. Nhà vua ngoài việc “thượng tôn pháp luật” còn là người điển mẫu về đạo đức, phổ biến chánh pháp, bình ổn xã hội, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình.

Chủ đề 3 gồm 16 bài kinh về triết lý căn bản, bắt đầu từ kinh Chuyển pháp luân, vốn là phương pháp luận giải quyết khổ đau, một đóng góp to lớn của đức Phật cho nhân loại. Học thuyết duyên khởi, tương tác đa chiều là triết lý phủ định các quan điểm giải thích về nguồn gốc thế giới bao gồm duy thần, duy vật và duy tâm. Ba dấu ấn của thực tại “vô thường, vô tướng, vô nguyện” và sự thực tập vô ngã là triết lý giúp ta vượt qua các nỗi khổ niềm đau do chấp dính vào cái tôi và cái tôi sở hữu. Nền tảng đức tin chân chính, kiến thức và trí tuệ, thuyết minh và xác minh, những điều nên biết và các ẩn dụ triết lý… trong phần này giúp ta nhận diện bản chất khổ đau và giải quyết khổ đau theo bát chánh đạo. Theo đức Phật, giáo pháp của ngài nên được sử dụng như chiếc bè, đưa người từ bờ khổ đau sang bờ hạnh phúc; không phải để chấp lấy, bái lạy, dâng cúng trên bàn thờ. Khi còn khổ đau thì còn sử dụng giáo pháp để trị liệu. Khi khổ đau kết thúc, hành giả sống thong dong trong đời.

Chủ đề 4 gồm 14 kinh về thiền định và chuyển hóa. Một phân nửa trong các kinh này giới thiệu thiền định như cốt lõi thực tập trong đạo Phật. Thực tập thiền định bắt đầu từ việc làm chủ các giác quan, chánh niệm trong từng cử chỉ, quán niệm hơi thở ra vào, làm chủ thân thể, cảm giác, tâm tư và ý niệm. Nhờ thực tập thiền, ta sống an lạc trong giờ phút hiện tại, không chìm mình vào quá khứ, không rong ruổi về tương lai, tự tại yên vui bây giờ và tại đây. Thiền là cốt lõi của chuyển hóa. Ngoài thiền định, đức Phật còn dạy cách phát khởi tâm bồ đề, nuôi lớn từ bi hỷ xả, tu tập các pháp lành, tâm niệm về 8 điều giác ngộ của Bồ-tát và thực tập 7 phương pháp chấm dứt khổ đau. Con đường thoát khổ được đức Phật dạy thực chất là sự thực tập chuyển hóa, trên nền tảng nhân quả, rất thực tiễn và có kết quả nhanh chóng, bền bỉ.

Phần 5 gồm có 7 kinh về Tịnh độ, vốn rất quen thuộc với Phật tử Bắc tông, được sử dụng trong các khóa lễ tại Việt Nam. Kinh Phổ Môn khái quát về cuộc đời, hạnh nguyện và độ sinh của Bồ-tát Quan Âm. Kinh Dược Sư dạy nghệ thuật chuyển hóa tham, sân, si để mỗi người trở thành thầy thuốc tâm linh của bản thân. Kinh A Di Đà giới thiệu 5 phương diện xây dựng Tịnh độ gồm căn lành lớn, phước đức lớn, nhân duyên lớn, quán pháp âm và nhất tâm bất loạn. Sám hối sáu căn là nghệ thuật chuyển hóa gốc rễ khổ đau của 6 giác quan, trong khi Sám hối hồng danh là cách ta quy ngưỡng và lễ lạy các đức Phật, một mặt chuyển hóa nghiệp chướng, mặt khác tăng trưởng sức khỏe nhờ vận động toàn thân. Kinh Vu Lan và Kinh báo ân Cha Mẹ dạy và truyền bá văn hóa hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn.

Kinh Phật cho người tại gia góp phần xây dựng một thế giới Cực Lạc, bây giờ và tại đây, bằng chính sự thực tập và chuyển hóa.

Vì tính chất toàn diện và hệ thống của bộ Kinh, tôi kính mong quý Phật tử tại gia nên nỗ lực không mệt mỏi, đọc tụng, nghiền ngẫm và ứng dụng trong đời sống thực tiễn. Nếu mỗi bài kinh là một toa thuốc tâm linh, có thể trị lành các chứng bệnh khổ đau thì tuyển tập các bài kinh này sẽ là nguồn dược chất vô cùng quý giá.

Mỗi ngày dành trung bình 30 đến 60 phút đọc kinh này với tinh thần vừa nêu, người đọc tụng được mở rộng tầm nhìn, nâng cao nhận thức, thâm nhập kinh tạng, nhờ đó giải quyết được các vấn nạn khổ đau của kiếp người.

Hơn 60 bài kinh được tuyển chọn trong bộ Kinh này là kho tàng trị liệu tâm linh không thể thiếu với những ai mưu cầu hạnh phúc và quý trọng giá trị an lạc đạt được từ lối sống tôn trọng nhân quả, đạo đức. Hãy cùng nhau truyền bá bộ Kinh này để con đường tâm linh Phật giáo trở nên gần gũi và được nhiều người trải nghiệm. Xin đem tất cả công đức từ việc soạn dịch và ấn hành kinh này hồi hướng đến pháp giới chúng sanh được an lạc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nốt ruồi ở mũi báo hiệu điều gì về số mệnh của bạn?

66 lời Phật dạy về cuộc sống

KINH PHÁP CÚ