Giá trị của chư tăng phật lực pháp lực


 Lễ Vu lan phát xuất từ kinh Vu Lan Bồn do Đức Phật Thích Ca giảng dạy theo lời thỉnh cầu của ngài Mục Kiền Liên để cứu độ mẹ của ngài đang bị đọa lạc ở thế giới ngạ quỷ.


Cứ đến tháng Bảy, Tăng Ni và Phật tử đều tụng kinh Vu Lan, nhưng việc chính yếu là phải hiểu nghĩa lý kinh và thực hành được yếu nghĩa Phật dạy trong cuộc sống. Trong kinh Vu Lan, Đức Phật dạy chúng ta phương cách báo hiếu cha mẹ đã qua đời. Đối với cha mẹ còn tại thế, chúng ta dễ dàng thực hiện hiếu hạnh bằng cách chăm sóc, phụng dưỡng về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng cha mẹ đã qua đời, tình thương của chúng ta đối với song thân vẫn còn rất mãnh liệt, mà không biết cha mẹ mình thác sinh ở cõi nào và cũng không biết làm cách nào đáp đền công ơn vô bờ bến của hai đấng sinh thành dưỡng dục. Quả là Đức Phật đã thương tưởng chúng ta quá nhiều, chỉ dạy chúng ta phương cách tốt nhất để được tiếp tục chăm sóc cha mẹ mình khi mà hai người đáng quý nhất không còn sống kề cận bên mình.

Đức Phật dạy rằng tùy theo nghiệp lành hay nghiệp ác sẽ dẫn dắt mọi người đi vào những cảnh giới khác nhau sau khi chết. Nghiệp lành là những việc làm tốt của con người, như thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ, bố thí… và hơn thế nữa gieo nhân lành trong Phật pháp là cúng dường, tụng kinh, lạy Phật, thiền định, v.v… Người đã thực hiện những thiện nghiệp  như vậy, đương nhiên sẽ tái sinh vào cõi người cho đến các cõi trời, hay thế giới Phật.

Nếu thường xuyên niệm Phật Di Đà và nhớ nghĩ đến Phật Di Đà, có cuộc sống theo hạnh của Phật Di Đà, thì khi mạng chung, chúng ta nương theo lực gia bị của Ngài mà được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực lạc. Lúc sinh tiền, chúng ta cảm đức hạnh của vị Phật nào và thực hành pháp tu nào, khi  mãn duyên cõi đời này, chúng ta sẽ đi về cảnh giới tương ưng đó. Như vậy, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường làm việc phước thiện và gia công tu hành, sống phạm hạnh, thanh tịnh, an trụ trong pháp Phật, sau khi rời bỏ thân này, chắc chắn về thế giới Phật.

Hoặc bình thường, cũng bố thí, cúng dường và không phạm mười tội ác của thân, khẩu, ý, nghĩa là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời hung ác, không nói thêu dệt, không nói lời đâm thọc, không tham lam, không sân hận, không si mê. Ngoài ra, còn chuyển đổi mười nghiệp ác này thành mười thiện nghiệp trong cuộc sống, nhưng nếu không niệm Phật, không hướng tâm về thế giới Phật, thì với đời sống tốt đẹp như vậy, họ sẽ tái sinh vào sáu cõi Trời Dục giới.

Nhưng muốn lên 18 cõi Trời Sắc giới, phải gia công Thiền định và chứng đắc từ Sơ thiền đến Tam thiền. Chứng đắc Sơ thiền, tức Ly sanh hỷ lạc. Thông thường, mọi người sống trên cuộc đời, sáu căn luôn tiếp xúc với sáu trần và luôn bị sáu trần hấp dẫn. Vì thế, khi trần duyên thuận với họ thì họ vui, trái lại thì buồn. Đơn giản như muốn ăn mà có ăn thì vui, không có thì khổ, hoặc nghe lời nói vừa ý mình thì sướng, trái ý thì tức giận, v.v… Như vậy, sáu căn của con người chịu sự sai khiến của sáu trần, tạo cho họ cảm nhận vui và khổ liên tục. Đức Phật dạy rằng trong lạc thọ luôn có mầm mống của khổ thọ, vui và khổ theo thế gian ví như hai người bạn chí thân luôn nắm tay song hành với nhau.

Nhận thức sâu sắc khổ vui sanh diệt không ngừng này, chúng ta gia công Thiền định, từ bỏ thú vui thế gian để có nguồn vui thanh tịnh trong tâm. Nói cách khác, diệt bỏ tâm ham muốn, bằng lòng những gì mình đang có. Thí dụ Đức Phật dạy các Tỳ kheo đi khất thực, dùng những thức ăn được cúng dường, không khởi tâm mong cầu. Diệt trừ được ham muốn và quyền lợi vật chất thế gian, vui với tâm thanh tịnh, sẽ sanh về Trời Sắc giới, gọi là ly sanh hỷ lạc. Nếu người tốt, hay bố thí, giúp đỡ, nhưng còn ham muốn theo thế gian, thì chỉ sinh lên cõi Trời Dục giới mà thôi.

Cao hơn nữa, được Định sanh hỷ lạc, nghĩa là người không ham muốn, không loạn tâm, không vọng tưởng, tâm luôn tập trung vào giáo pháp, mới tiếp nhận được nguồn vui  trong định. Người đời còn vướng mắc với tham lam, luôn  toan tính suy nghĩ đủ cách làm cho tâm họ rối bời những lo âu, buồn phiền, đau khổ và thân họ phát bệnh theo, lại khổ thêm.

Người tu hiểu đạo có cuộc sống an vui, giải thoát, nhờ tâm định tĩnh, thấy được ý nghĩa chân thật của dòng sống miên viễn bất tận. Và an trụ trong niềm hỷ lạc phát sinh từ định, tiến lên cõi Trời thứ ba, đó là Ly hỷ diệu lạc, tức từ bỏ thú vui vật chất theo trần duyên không vững bền, sẽ tiếp nhận được nguồn vui thầm kín kỳ diệu trong định tâm, mà những hành giả ẩn cư thể nghiệm pháp Phật mới trực nhận được; còn sống theo thường tình thế gian thì hoàn toàn tuyệt phần.

Nguồn vui kỳ diệu của “Ly hỷ diệu lạc” đã được vua Trần Thái Tôn cảm nhận sâu sắc sau một đêm được Phù Vân quốc sư khai ngộ trên non Yên Tử. Đức vua mới thốt lên rằng: “Cá trung tư vị vô nhân thức. Đương dữ sơn Tăng lạc cộng minh”. Nghĩa là cái vui sâu xa của người tu làm sao người đời biết nổi. Chỉ có nhà sư trên núi mới thấu rõ, mới tận hưởng được. Thật vậy, trước mắt nhà vua toát lên hình ảnh thánh thiện tuyệt vời của Phù Vân, thảnh thơi ở núi rừng một mình, đạm bạc với nước suối, rau rừng và tâm tỏa sáng niềm an lạc vô biên. Uy nghi và đẹp làm sao, đức vua cảm nhận lực an vui kỳ diệu như vậy của vị Thánh tăng nên đã không chịu xuống núi, trở về triều, ngự trên ngai vàng mà nhiều người mơ ước. Vì đức vua hiểu rõ hơn ai hết, thế sự phiền toái bao vây, quấy nhiễu từng giờ làm thế nào sánh được với nếp sống an lạc giải thoát của bậc chân tu, nên ngài đã ví ngôi vua như chiếc giày rách. Vua Trần Thái Tôn muốn sống cuộc đời của nhà tu hành theo Phật là vậy.

Cuối cùng, hỷ lạc và diệu lạc cũng xả bỏ, tâm mới vắng lặng hoàn toàn và trí tuệ sẽ bừng sáng, gọi là Xả niệm thanh tịnh.

Bất cứ người nào dù không theo tôn giáo, nhưng đã làm những việc phước thiện và thực hiện được mười thiện nghiệp của thân khẩu ý như Phật dạy, sau khi qua đời, đều được sinh lên sáu cõi Trời Dục. Và người giữ được tâm định tĩnh thì được sinh vào cõi Trời Sắc. Ai tu phước và tu định cũng được về hai cõi Trời này; nhưng theo tà giáo, dùng bùa chú thì không thể được. Và muốn tiến xa hơn, được sinh vào những cảnh giới vĩnh hằng bất tử của chư Phật, cần áp dụng các pháp môn tu như tụng kinh, lạy Phật, Thiền định, v.v…, luôn nhớ nghĩ đến Phật, luôn thực hành yếu nghĩa Phật dạy.

Riêng bà mẹ của Mục Kiền Liên lại không tin Phật, mà hận Phật. Vì bà nghĩ rằng bà chỉ có một người con trai là Mục Kiền Liên, Phật lại độ ông, khiến ông bỏ nhà đi tu, làm tuyệt nòi giống và sự nghiệp gia đình. Nếu nghèo mà đi tu thì không sao, còn con bà giàu có, lại đi xin ăn. Vì thế, bà tức giận Phật và gây ra những tội ác.

Vì tạo tội ác, bà bị đọa vào cảnh giới ngạ quỷ. Có hai loại ngạ quỷ, một là vì không có thức ăn, nên đói, ngạ quỷ này dễ cứu, cho ăn là hết đói. Nhưng ngạ quỷ như mẹ của Mục Kiền Liên có nhiều thức ăn mà không ăn được, vì bị nghiệp lực trói buộc. Phật dạy rằng loại ngạ quỷ này bụng to như cái trống mà cổ của nó nhỏ như cây kim. Lúc nào nó cũng đói, nhưng không ăn được.

Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đã nhờ Phật lực, pháp lực và gia trì lực của Thánh tăng, nên cứu được mẹ thoát khỏi cảnh khổ của ngạ quỷ và bà liền tái sinh về cõi Trời Đao Lợi làm Thiên nữ. Khi cánh cửa địa ngục mở ra để cứu mẹ của Mục Kiền Liên, tất cả tội nhân ngạ quỷ cũng nhờ đó chạy thoát theo. Nhưng những tội nhân chạy ra theo, nếu được nơi nào bảo lãnh, họ sẽ về nơi đó; còn không ai bảo lãnh thì họ sống lang thang, quậy phá. Cụ thể hóa cho dễ hiểu, năm 1975, khi đất nước ta mới được giải phóng, cửa khám Chí Hòa được phá mở để cứu những tù nhân chính trị. Nhưng tù nhân phạm tội hình sự nhân đó cũng chạy ra. Những tù nhân chính trị phần lớn về chùa Ấn Quang ở tạm, vì trước đó, chùa đã từng tiếp tế, giúp đỡ họ, nên về chùa chờ liên hệ với các ban ngành trực thuộc lúc làm cách mạng để bảo lãnh, thì ở đâu sẽ về đó. Còn những tù nhân không người bảo lãnh tiếp tục lang thang trộm cướp, đã bị bắt lại.

Ngày rằm tháng Bảy, ngày chư Phật đại hoan hỷ sau ba tháng an cư của chư Tăng và thiện nam tín nữ vâng lời Phật dạy cúng dường, bố thí hồi hướng cho người quá vãng, nghĩa là Phật lực, pháp lực và gia trì lực của chư Tăng được thể hiện mạnh mẽ trong ngày này, giúp cho tất cả tội nhân ở địa ngục được ân xá. Vì họ thuộc thế giới vô hình nên chúng ta không thấy họ bằng mắt, nhưng có thể tiếp nhận bằng tâm. Họ chạy đến chùa tá túc rất đông và đã tác động vào những người còn tham lam, giận dữ. Thực tế cho thấy rõ nhất là những cô nấu ăn bình thường hiền lành, nhưng đến tháng Bảy dễ nổi cơn giận dữ với những người ăn xin, chính vì bị sự tác động của những âm hồn dữ dằn. Thứ hai là những âm hồn cũng thường tác động vào các người cư sĩ làm công quả, khiến họ hay nổi chứng, gây chuyện rắc rối trong chùa, mà bình thường họ không phạm phải.

Theo truyền thuyết, ở Trung Hoa thời nhà Minh, có vị thiền sư đắc đạo, khi nhập định đã thấy từ sân chùa cho đến nhà bếp toàn là ăn mày; nhưng xả thiền, mở mắt ra thì không thấy ai cả. Tất nhiên người tu dễ dàng trực nhận được sự hiện hữu của vong linh qua tâm thanh tịnh. Vị này mới bảo nhà bếp nấu thức ăn thật nhiều vì có khách đông. Các bà đã nấu nhiều, nhưng chẳng thấy khách, không biết có nên ngưng lại hay không, mới lên hỏi thầy. Lúc đó, thầy lại bận tụng kinh siêu độ cho vong linh. Các bà quỳ đợi, không dám thưa hỏi, nhưng quỳ lâu quá mà thầy không ngừng tụng kinh, nên làm liều hỏi thầy rằng có nấu nữa hay không. Thầy đưa dùi mõ lên, bà tưởng là thầy bảo làm bánh cúng như vậy. Sau khi làm nhiều bánh cúng rồi, mới hỏi nữa thì thầy lại đưa nắm tay, lần này bà tưởng thầy bảo làm bánh cấp cũng có nếp và gói lá. Vì vậy, về sau, chùa cúng rằm tháng Bảy thường cúng thí cô hồn hai loại bánh này.

Tuy nhiên, thức ăn thí cho cô hồn, có loài ăn được, có loài không ăn được. Thiền sư mới nghĩ cách làm thế nào cho tất cả cô hồn ăn được; vì đói thật thì cho ăn mới hết đói, còn người bị nghiệp mà đói nên không ăn được. Trên bước đường giáo hóa độ sinh của Đức Phật, có những ngạ quỷ đã thấy nước sông Hằng là lửa, không phải nước, mới xin Phật cứu chúng, cho chúng nước uống. Đức Phật liền chỉ vào sông Hằng, nhờ Phật lực nên các ngạ quỷ này tiêu trừ nghiệp lực mà uống được nước sông Hằng.

Vị thiền sư ấy mới chọn những mật ngữ mà Đức Phật đã nói với loài ngạ quỷ và ghi lại thành nghi thức Mông sơn thí thực để người tu nương theo đó cúng thí cho cô hồn không bị đói khát. Các loài ngạ quỷ nương nhờ Phật lực thì muốn điều gì sẽ nhận được điều đó, mà chúng ta thường nghe đọc khi cúng thí là “Tùy nguyện giai bảo mãn”. Thí dụ cô hồn muốn ăn bánh bao liền có bánh bao cho họ, dù chỉ để bánh quy; đó là nhờ Phật lực gia bị, nhờ pháp lực hay kinh điển, mật ngữ và nhờ gia trì lực của chư Tăng khi cúng thí, tất cả những thực phẩm được biến hóa theo khởi tưởng của cô hồn. Vì vậy, khi chùa cúng cô hồn mỗi ngày, chỉ có gạo, muối, nước, nhưng nương theo Phật lực, pháp lực và gia trì lực của chư Tăng đưa vô thần chú của Phật, thì các ngạ quỷ muốn ăn thứ gì có thứ đó. Tôi nhớ thuở nhỏ, ở chùa Huê Nghiêm, tụng Mông sơn thí thực, nhưng ông đạo quên thay gạo, muối, nước. Khi tụng xong, có con quỷ đã vô thất khóc với Hòa thượng rằng không được ăn, bị đói quá. Hòa thượng liền bảo thay gạo, muối, nước và tụng kinh thì chúng đã ăn được.

Từ ngày rằm tháng Bảy đến ngày ba mươi tháng Bảy, những người từ địa ngục được ân xá, tập trung về chùa rất đông. Vì thế, chùa phải cúng thí liên tục trong nửa tháng Bảy, để những người có bảo lãnh rồi đi, còn những người không có bảo lãnh thì theo định nghiệp của họ mà tái sinh vào cảnh giới tương ưng.

Ý thức như vậy, Tăng Ni và Phật tử cần nỗ lực tu hành, giữ tâm thanh tịnh bằng cách niệm Phật, tụng kinh, Thiền định, an trụ trong Phật pháp, các ngạ quỷ theo chúng ta, nghe kinh giải trừ được oan trái nghiệp chướng, nên được tái sinh về thế giới an lành. Nhớ ân đức ấy, họ sẽ trợ lực chúng ta trong việc hành đạo. Trái lại, nếu chúng ta khởi niệm không tốt, cộng với nghiệp ác của ngạ quỷ, thì nghiệp ác chúng ta tự động sẽ tăng gấp đôi, gấp ba, gấp nhiều lần theo nghiệp lực tác động xấu ác của các ngạ quỷ, khiến chúng ta thể hiện thành lời nói và việc làm xấu ác, làm tổn hại công đức của mình và cũng không cứu độ được chúng sinh.

Tóm lại, trong mùa Vu lan, Tăng Ni và Phật tử tinh tấn tu hành, giữ tâm định tĩnh, cầu Phật lực gia hộ để gia trì lực của quý vị tăng trưởng, để cứu độ các loài chúng sinh trong ba đường ác và thực hiện được lời nguyện rằng chúng con và Pháp giới chúng sinh đồng về cõi Phật.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nốt ruồi ở mũi báo hiệu điều gì về số mệnh của bạn?

Xem hướng phòng ngủ tuổi Mậu Tý năm 1948

Lời Phật dạy về Đạo đức gia đình